Chào mừng Quý Thầy Cô, Quý Phụ Huynh cùng các em học sinh đến với CASESTUDY24H!
Banner 02
Banner 01
Banner 03

Bộ GD-ĐT nói rõ về việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp

Cập nhật: 1/10/2020 | 2:28:51 PM

Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng điện thoại cho học sinh học tập. Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là để phục vụ mục đích học tập và được giáo viên cho phép, học sinh mới sử dụng, không phải tùy tiện thích thì dùng.

Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Nếu so với thông tư 12/2011/TT-BGDĐT bị thay thế, thì thông tư mới này đã bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Thông tin này ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên, phụ huynh học sinh. Để có thông tin cụ thể hơn về điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT):


Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).

🔰 Ông có thể làm rõ sự điều chỉnh trong thông tư mới lần này so với trước đây về quy định liên quan đến việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học?

Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về các hành vi mà học sinh không được làm. Một trong số đó là “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.

Theo thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên.

🔰 Vì sao Bộ GD-ĐT quyết định đưa ra việc điều chỉnh này, thưa ông?

Hiện nay, trong bối cảnh xã hội chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến chuyển đổi số trong giáo dục, ngành giáo dục đang hướng dẫn và khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Khi đã dạy học qua internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác,...

Với thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của giáo viên và học sinh.

Ở các quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học ở trên mạng. Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực.

Với những lớp học chưa có điều kiện về phòng máy tính và không nhất thiết phải vào phòng máy thì trong hoạt động học tập mà giáo viên giao cho học sinh sẽ có những bài học mà ở đó học sinh có thể truy cập vào mạng hoặc các nguồn học liệu mạng LAN của trường. Có nghĩa rằng khi đó, học sinh có thể sử dụng điện thoại như là một công cụ để truy cập những điều đó song phải thực hiện theo nội dung bài học và nhiệm vụ mà giáo viên giao cho.

🔰 Tuy nhiên, hiện nhiều phụ huynh lo lắng, nếu được sử dụng điện thoại trong lớp thì sẽ học sinh sẽ khó tập trung trong giờ học?

Trong một giờ học của một lớp học thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.

Có thể hình dung, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ. Như vậy có thể học sinh này sẽ tra trên mạng để truy cứu thêm thông tin để thực hiện nhưng cũng có học sinh lại không cần đến mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ học tập.

Như vậy, Bộ GD-ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

🔰  Bên cạnh đó, Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cũng cho biết: “Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là để phục vụ mục đích học tập và được giáo viên cho phép, học sinh mới sử dụng, không phải tuỳ tiện thích thì dùng”, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin truyền thông để xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

📣  Ngoài ra, trước tình trạng thiếu SGK xảy ra tại một số địa phương và vẫn còn một số cơ sở giáo dục giới thiệu sách tham khảo, kèm theo danh mục SGK gây bức xúc trong dư luận đầu năm học mới, ngày 8/9, Bộ GD&ĐT đã có văn bản về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cũng liên quan đến công tác chỉ đạo đầu năm học mới, theo Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục, trong đó tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học, cũng như chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu, tình trạng mất an toàn trường học, tình trạng giới thiệu sách tham khảo (kèm theo danh mục sách giáo khoa) tại một số cơ sở giáo dục.

📣 Ngày 27/8, Bộ GD&ĐT ban hành công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021. Theo đó, về học phí, Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thống nhất quy định mức học phí cụ thể phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

(Nguồn Tin: Tổng hợp)

ĐỘI NGŨ GIA SƯ CHẤT LƯỢNG

Nhắn tin Facebook Zalo: 093 2697 054